Những ngày vừa qua, có hai điều mà dư luận quan tâm nhất: đó chính là những bê bối trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2018 và tình hình mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Mưa lũ thiệt hại nặng nề bao nhiêu, thì một năm, hai năm, ghê gớm lắm là năm bảy năm sẽ khắc phục lại được. Nhưng thiếu minh bạch trong kỳ thì lớn nhất của một Quốc Gia, thì hệ lụy để lại có thể sẽ ảnh hưởng đến cả một, thậm chí hai, ba thế hệ và tương lai của dân tộc, giống nòi. Lý do vì sao chắc tôi không cần nói ở đây, vì tôi nghĩ mọi người đã có câu trả lời cho riêng mình…

Ngày hôm nay, tôi sẽ không nói đến kỳ thi THPT QG vừa qua đã xảy ra bê bối như thế nào, vì điều này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin quá nhiều rồi, dư luận cũng đã một phen dậy sóng. Với quan điểm cá nhân của mình, tôi xin đưa ra 2 luận điểm, thứ nhất:

Có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia không?

Kỳ thi THPT QG 2018 ưu điểm thì có đấy, nhưng tồn đọng thì nhiều hơn.

Năm 2017, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều tỉnh trên 99%, trên báo Lao động online số ra ngày 11/7/2017 có bài viết với tiêu đề: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2017 “cao ngất trời“ ” để đề cập về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của các tỉnh trong kỳ thi THPT QG năm đó! Thiết nghĩ, một kỳ thi chưa tổ chức mà biết là sẽ đỗ như thế tổ chức thi để làm gì? Tại sao không xét tốt nghiệp bằng kết quả học tập 3 năm THPT rồi công nhận kết quả tốt nghiệp cho những ai đạt được những quy chuẩn đề ra. Một xã hội khi mà bằng đại học có người mang đi làm đồ chơi cho trẻ em, thì xét công nhận tốt nghiệp cũng không có gì là lạ!

Và rồi, những ai đang muốn được hướng nghiệp, có khao khát thực sự, nghiêm túc chinh phục ngưỡng cửa Đại học, thì sẽ tổ chức một kỳ thi đại học riêng, không pha trộn. Kỳ thi ĐH đó, sẽ phân ra các cụm, như kỳ thi ĐH cũ, và thí sinh sẽ phải lên các thành phố lớn, các trường ĐH lớn để tham dự kỳ thi (Nơi mà vấn đề an toàn thi cử sẽ được đảm bảo hơn các địa phương). Thắt chặt an ninh trước trong và quá trình chấm điểm thi.

3 điều cần lưu ý khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học

Có nên bỏ kỳ thi hai chung: xét tốt nghiệp và đại học

Đề thi các môn Khoa học tự nhiên, ngoại ngữ vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm, còn các môn Khoa học xã hội thi theo hình thức viết ! Có nhiều người sẽ bảo lên TP sẽ tốn kém, nhưng thử hỏi, tốn kém để đổi lại sự minh bạch, thì sẽ đáng hơn rất nhiều, trong cuộc sống này, nhiều lúc mất tiền là cái mất ít nhất, với những ai đã nghiêm túc trong 12 năm đèn sách, thì vấn đề tốn một đôi triệu cho một lần tỏa sáng cũng không phải là vấn đề. Chỉ sợ học sinh không tiết kiệm được tiền, mà ngược lại ước mơ 12 năm vụt tắt chỉ vì túi của các vị trưởng ban, phó trưởng ban lại dày thêm thôi!

Bộ trưởng Nhạ có nên từ chức?

Chiều 2/7, tại hội nghị hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế – Xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá kỳ thi THPT 2018 như sau: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công.”

Xin phép ngài bộ trưởng, tôi xin cải chính lại như sau để đúng hơn với tính chất của kì thi vừa qua : Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và sửa điểm nhẹ nhàng, nhanh chóng, được các gia đình quan chức các đại gia địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công về mặt kinh tế.

Người xưa có câu ” Thượng bất chính- Hạ tắc loạn” những bê bối ngày hôm nay ở các địa phương, có phải là do sự chỉ đạo thiếu sát sao, quyết liệt, của Bộ giáo dục & đào tạo, và đứng đầu là ngài bộ trưởng? Người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong bê bối kỳ thi năm nay không phải là ông Vũ Trọng Lương hay một cá nhân nào khác, mà phải chính là ông Phùng Xuân Nhạ- Đương kim bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân là bộ trưởng “HỌC”, hình như tôi nhớ không nhầm lúc đấy tôi còn học tiểu học, trên đầu bảng của lớp học bao giờ cũng có dòng chữ : “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Với tôi lúc đấy, một tâm hồn trẻ thơ, giáo dục nước nhà thực sự trong sạch. Nhưng tôi cũng được biệt, với những chỉ đạo của bộ Trưởng Nhân, nay là bí thư thành ủy Hồ Chí Minh, thì giáo dục nước nhà thời kỳ đó đã hạn chế được rất nhiêu tiêu cực!

Đến thời bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nào là những đề án thay đổi sách giao khoa hàng trăm nghìn tỷ, nào là thay đổi kỳ thi ĐH thành kỳ thi THPT QG chỉ trong một cái nháy mắt, và tôi thế hệ 1997 thi năm 2015 là những lứa trâu vàng phải bất đắc dĩ biến thành chuột bạch đầu tiên. Kỳ thi năm đó bao nhiêu bê bối, nào là thí sinh đi nộp nguyện vọng vào đại học như chơi chứng khoán, nay nộp mai rút, lộn xộn như chốn kẻ chợ. Có gia đình thí sinh phải thuê cả xe cứu thương ra tận thủ đô, nhưng thí sinh, người nhà thí sinh vẫn khỏe mạnh, nghịch lý thay, nạn nhân đang trong cơn nguy kịch phải cấp cứu khẩn cấp đó chính là tờ giấy mang dòng chữ: Nguyện vọng I ! Chưa dừng lại ở đó, 2015 có trên dưới 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia, nhưng bộ giáo dục chỉ cấp một tên miền để truy cứu điểm thi, nhưng thật may, chỉ còn vài tiếng cuối, bộ đã nhanh chóng cung cấp miền tra cứu cho một số trường ĐH, phân chia vùng, nhưng chừng đó là chưa đủ, năm đấy, có những thí sinh vào mất cả nửa ngày mới vào xem được điểm. Điều đó đã dẫy lên nghi vấn bộ và viettel độc quyền trong việc công bố điểm!

Bộ trưởng bộ giáo dục sẽ từ chức?

Rồi khi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất của ngành giáo dục, nhiều học sinh và phụ huynh vui mừng, hy vọng ông sẽ có những bước đi mới, đúng đắn để thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà! Thế nhưng từ đống đổ nát mà bổ trưởng Luận để lại, bộ trưởng Nhạ lại có những bước đi, hành động để biển “di sản” của Bác Luận để lại bên bờ vực “Phá sản” !Từ hành động bộ trưởng Nhạ thiu thiu ngủ trong kỳ họp Quốc hội bị camera VTV “bắt quả tang” cũng đã đủ chứng minh trách nhiệm của ông đối với ngành giáo dục, đối với vận mệnh dân tộc được bao nhiêu?

Thứ 2, thay đổi phương án thi liên tục, từ thi riêng sang thi chung giờ lại từ thi tự luận sang trắc nghiệm khách quan đối với các môn xã hội. Thật không thể tin nổi ! Thưa ngài bộ trưởng, học sinh chúng em là con người, chúng em cần thời gian để thích ứng, chúng em đâu phải là những chú chuột bạch, tiêm loại thuốc này vào chưa có tác dụng, lập tức tiêm loại thuốc khác vào, chuột chết thì bỏ vào túi bóng vứt giỏ rác! Mọi quyết sách hay thay đổi cần phải có thời gian nghiên cứu, chứ không phải ngày một ngày đôi, và đặc biệt, nhắc tới giáo dục thì sự dài hạn cũng như sự kỹ lưỡng cần phải được đề cao!

Thứ 3, là những bê bố điểm thi trong kỳ thi THPT QG vừa qua, điểm thi tỉnh X, tỉnh Y bị thay đổi trắng trợn, thì mức độ đánh giá tín nhiệm của Ngài với tôi nếu thang điểm 100 thì tôi sẽ cho điểm 1. Và với tư cách là lãnh đạo của ngành giáo dục, thì việc buông lỏng quản lý gây hâu quả đặc biệt nghiêm trọng như thế này, thì Ngài phải đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi Nhân Dân, chứ không thể đổ lỗi cho một cá nhân, hay tổ chức nào cả. Và với lòng tự trọng của một người làm nghề nhà giáo, thì tôi nghĩ, ngài nên từ chức, để những người có năng lực và trách nhiệm, tâm huyết thực sự lên nắm giữ chức vụ này. Để làm sạch giáo dục, đem lại một nền giáo dục “Nói không với tiêu cực trong thi cử” như trong chỉ thị 4 KHÔNG của thời kỳ bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ./

Hồi cấp 3, thầy dạy Văn tôi có ra một đề thi na ná như sau:” Tinh thần Tự nhiệm và lòng khoan dung là những truyền thống quý báu của dân tộc VN” từ đó chứng minh qua các tác phẩm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và Pháp” .Và trong thời kỳ hôm nay, hy vọng rằng Bác Nhạ sẽ chứng minh được rằng: VN là một Quốc gia có tinh thần tự nhiệm cao!

5/5 - (1 bình chọn)