Mùa đông sắp đến cũng là lúc các em nhỏ vùng cao một lần nữa phải chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt với những chiếc áo mỏng phong phanh. Hình ảnh trẻ em vùng cao ấy không khỏi khiến mỗi người cảm thấy nhói lòng và thương cảm.
Hình ảnh trẻ em vùng cao trong giá rét
Không chỉ các em nhỏ vùng núi cao Tây Bắc phải chịu thời tiết khắc nghiệt mà không có đủ quần áo ấm, trẻ em miền trung như Nghệ An cũng cùng chung cảnh ngộ mỗi mùa đông đến.
Không có áo khoác, không tất, không dép, không mũ thậm chí ở truồng là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại những bản làng xa xôi và hẻo lánh của vùng cao. Nếu may mắn có được chiếc áo len ấm thì cũng bị thủng lỗ chỗ, chứ không được lành lặn, nói gì là đẹp đẽ.
Trời có lúc lạnh dưới 10 độ C, khiến đôi bàn chân bé nhỏ nứt nẻ, tím tái. Có những lúc trời mưa khiến đường đất đỏ trở nên bùn lấy, lấm lem vào những đôi dép tổ ong các em mang. Một vài em nhà có điều kiện hơn hoặc đã được đoàn tình nguyện đến thì có ủng để đi.
Dẫu trời lạnh như thế, có vẻ như các em đã quen, đám nhỏ vẫn hồn nhiên nô đùa ngoài trời. Các em nhỏ hơn được anh chị địu đi chơi khắp bản để bố mẹ được yên tâm lên nương rẫy. Bếp lửa là thứ sưởi ấm và cứu vớt các em qua mùa đông giá lạnh này.
Hình ảnh những đứa trẻ phong phanh chiếc áo mỏng trong mùa đông rét cắt da
Vấn đề từ thiện cho trẻ em vùng cao đói rét
Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, việc thấy tuyết rơi là điều vô cùng hào hứng và thú vị. Chẳng thế mà mỗi lần không khí lạnh tăng cường về, người ta lại đổ xô lên các vùng núi cao như Hà Giang, Sa Pa để đón tuyết.
Thế nhưng, phải đến khi đến tận nơi, chứng kiến cảnh tượng đối nghịch với mình: những em nhỏ không có nổi bộ quần áo ấm và những thứ đủ giữ ấm cho thời tiết âm độ C thì người ta mới thấu hơn về sự sẻ chia và giúp đỡ người khác. Lúc này, câu chuyện về từ thiện cho trẻ em vùng cao giá rét lại là vấn đề cần được suy xét.
Bên cạnh việc ủng hộ những thứ trước mắt như quần áo, chăn ấm, ủng, hay đồ ăn…, chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến tính bền vững. Nghĩa là, chỉ giúp đỡ một lần và những lần sau các em vẫn có quần áo ấm, chứ không phải năm nào cũng chở hàng xe quần áo đến cho các em. Điều này vô hình chung tạo nên sự ỷ lại cho chính gia đình và bản thân các em.
Theo nhiều ý kiến thì thay vì kêu gọi ủng hộ áo ấm cho trẻ em nếu đi du lịch hãy bỏ tiền ra để thuê dân bản địa làm hướng dẫn viên, phục vụ, ăn ở homestay… để họ có công ăn việc làm, không trông chờ vào sự ỷ lại hàng năm nữa. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến không đồng tình vì cho rằng quan điểm giúp người khác bằng cách tạo việc làm không sai nhưng chưa thiết thực. Để giải quyết gốc rễ vấn đề về công việc, chúng ta cần dung hoà được giữa giải pháp tình thế và giải pháp dài hạn. Bởi vì bước vào thực tế sẽ khó hơn nhiều so với lời nói, đa số dân bản địa miền núi vốn kiến thức hạn hẹp, để đào tạo họ trở thành hướng dẫn viên, phục vụ du lịch… không đơn giản.
Có nên ủng hộ quần áo cho trẻ em vùng cao?
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến thực sự các em muốn gì và cần gì, chứ không ủng hộ bừa bãi và đôi khi không cần thiết. Cần có sự khảo sát, điều tra hoàn cảnh cụ thể, từ đó lên kế hoạch chi tiết và kịp thời đến giúp đỡ các em. Theo nhiều người từ thiện từng đến các vùng cao để lấy tư liệu, họ được biết ngay từ khi sinh ra, trẻ em nơi đây đã được tôi luyện khả năng chống chịu với sự khắc nghiệt của thời tiết. Khi chúng ta thấy hình ảnh trẻ em vùng cao trong giá rét là rất bất thường và tỏ lòng thương hại. Nhưng đối với các em, đó lại là chuyện bình thường và không có gì đáng lo ngại. Vậy phải chăng việc ủng hộ là điều không cần thiết?
Tóm lại là, chúng ta nên hiểu trẻ em vùng cao, chứ không phải là nghĩ thay cho chúng phải sống như thế nào, phát triển ra sao. Từ thiện là điều tốt, là đức tính cần có, nhưng phải từ thiện sao cho đúng và có ích nhất.