Trẻ sơ sinh bị vàng da là tình trạng cần được thăm khám và điều trị sớm, tránh nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy cùng chúng tôi theo dõi bệnh vàng da là gì? Các biến chứng và phương pháp điều trị bệnh vàng da hiện nay nhé.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng, thường là do tăng bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xuất hiện ở khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non.
Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có khi tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh, do bilirubin gián tiếp thấm vào não. Hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.
Vàng da sinh lý
Trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da do trẻ có số lượng hồng cầu trong máu lớn, hồng cầu chứa HbF nên đời sống hồng cầu ngắn (hồng cầu vỡ ra giải phóng các yếu tố bên trong hồng cầu gây nên chuyển hóa tăng bilirubin tự do), chức năng gan của trẻ còn kém, đồng thời khả năng bài tiết mật của gan cũng chưa trưởng thành. Ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
Xem thêm: Bổn phận của trẻ em là gì?
- Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
- Tự hết trong vòng 7-10 ngày.
- Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Chỉ là vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da sinh lý không cần can thiệp y tế. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 tuần.
Vàng da bệnh lý
Vàng da được coi là bệnh lý khi vàng da xuất hiện sớm, vàng da tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều và thường kèm các triệu chứng bệnh lý khác. Những ngày đầu sau sinh là “thời điểm vàng” để bố mẹ theo dõi tình trạng vàng da ở trẻ. Những bất thường đó là:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh;
- Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân;
- Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng;
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
- Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai
Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
Một số biến chứng nặng khi trẻ sơ sinh bị vàng da
Bệnh não cấp do tăng bilirubin:
Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị trẻ em hay chảy máu cam
+ Giai đoạn sớm: trẻ vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.
+ Giai đoạn trung gian: trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé hay lơ mơ và giảm trương lực cơ, tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân. Thay máu trong giai đoạn này trong một số trường hợp có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh.
+ Giai đoạn nặng : hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ – ưỡn người, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.
Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân): trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, mắt nhìn trần, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.
Các phương pháp điều trị vàng da
Chiếu đèn
Chiếu đèn là phương thức điều trị được sử dụng rộng rãi, an toàn và hiệu quả nhất để làm giảm nồng độ Bilirubin gián tiếp trong máu và phòng ngừa bệnh não cấp do tăng Bilirubin ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sau sinh. Mục đích của chiếu đèn là để chuyển bilirubin tự do thành bilirubin tan trong nước và thải ra ngoài qua đường niệu và đường mật xuống phân.
Thay máu
Được chỉ định khi vàng da nặng đến lòng bàn tay, bàn chân (< 1 tuần) + bắt đầu có biểu hiện thần kinh, hoặc mức Bilirubin máu tăng cao > 20 mg% + bắt đầu có biểu hiện thần kinh ( li bì, bú kém).
Tóm lại, khi trẻ sơ sinh bị vàng da phụ huynh cần phải theo dõi bé chặt chẽ, tránh trường hợp vàng da bệnh lý bị tưởng nhầm là vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh, từ đó chủ quan không điều trị kịp thời và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.a