Trước những gian lận thi cử ở một số tỉnh, các chuyên gia giáo dục Việt Nam đang tranh luận gay gắt về việc nên giữ hay nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một trong những lí do đưa ra để giữ lại kỳ thi này đó là nếu không thi thì học sinh sẽ không học.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam hiện nay là không cần thiết vì tỉ lệ tốt nghiệp luôn ở mức gần 100%. Trong khi đó, hầu hết hiệu trưởng các trường ủng hộ quan điểm cần giữ kỳ thi này bởi nếu không tổ chức thi, nhiều học sinh sẽ không chịu học, giáo viên trên lớp sẽ vô cùng vất vả!
Nói như vậy, phải chăng hiện nay việc tổ chức thi cử trong các cấp học đang được đưa ra như một áp lực để trẻ chăm chỉ học tập, chịu khó đến trường. Vậy đích đến cuối cùng của nền giáo dục Việt Nam có phải chỉ là những kì thi chất lượng cao?
Nhiều tranh cãi xung quanh việc tổ chức kỳ thi THPT
Sẽ rất khó để có trả lời cho câu hỏi này trong tình trạng xã hội hiện nay, khi nhiều bạn trẻ chưa xác định được mục tiêu của quá trình học tập 12 năm trên ghế nhà trường. Nếu học chỉ để có kết quả thi tốt thì sau kì thi cuối cùng trong cuộc đời học sinh, bạn trẻ cần làm gì tiếp theo?
Để việc học trở nên có ý nghĩa, mỗi học sinh cần xác định rõ mục tiêu học tập, định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Xác định mục tiêu của việc học
Từ khi trẻ còn nhỏ, gia đình và nhà trường cần giúp trẻ trả lời được câu hỏi: bé đến trường để làm gì? Tại sao con cần đi học. Nếu ở độ tuổi mầm non, trẻ đến trường là để được vui chơi, việc học cũng được tổ chức thông qua các trò chơi thì lên những bậc học cao hơn, câu hỏi Học để làm gì cần được thầy cô cùng trẻ đi tìm câu trả lời qua mỗi tiết học.
Có thể hiểu một cách đơn giản, trẻ đi học là để tích lũy, vốn tích lũy này sẽ được trẻ sử dụng để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Trẻ sẽ tích lũy gì tại trường? Phương pháp học, kiến thức, kĩ năng là ba yếu tố tích lũy cơ bản nhất. Trẻ cần biết học môn toán sẽ khác học môn văn! Kiến thức môn toán trẻ ứng dụng khi đi mua hàng cho mẹ hay tự đo chiều cao của bản thân mình. Trong khi đó, kiến thức môn văn sẽ giúp trẻ có nhiều vốn từ hơn để giao tiếp với bạn bè, thầy cô.
Trẻ càng tích lũy được nhiều thì khả năng giải quyết vấn đề của trẻ càng nhanh và chính xác. Khả năng giải quyết vấn đề của trẻ có thể được đánh giá trên những bài thi giấy, hoặc trên những tình huống trong đời sống hằng ngày.
Có thể đánh giá kết quả học tập của trẻ dựa trên bài thi giấy và khả năng xử lý tình huống trong cuộc sống hằng ngày
Làm mới quan niệm về việc chọn nghề, chọn trường đại học
Đã có thời kỳ, các trường đại học danh giá là tiêu chí để đánh giá kết quả học tập suốt 12 năm học của học sinh. Chỉ khi nào thi đỗ một trường đại học thuộc tốp đầu cả nước, gia đình, người thân và thậm chí bản thân học sinh mới cảm thấy thỏa mãn. Trong khi đó, thi đỗ vào khoa nào, học để ra trường làm nghề gì bản thân thân học sinh và gia đình chưa hề có định hướng rõ ràng.
Hiện nay, bí quyết chọn trường đại học đầu tiên mà học sinh lớp 12 cần thuộc nằm lòng khi chuẩn bị tốt nghiệp: chọn nghề, không chọn trường. Tất nhiên, nếu được học nghề mình yêu thích ở một trường điểm quốc gia thì không có gì hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nếu không thể thi đỗ vào một trường đại học tốp đầu, các bạn trẻ cũng không cần quá lo lắng, nhiều trường cao đẳng, trung tâm hỗ trợ, cơ sở nghề sẵn sàng cho bạn cơ hội học tập.
Với những mục tiêu và định hướng rõ ràng, những kì thi sẽ không trở thành nỗi ám ảnh, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như hiện nay. Và đặc biệt, điều này sẽ giúp các chuyên gia giáo dục sớm trả lời được câu hỏi, có cần thiết tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.